Jdi na obsah Jdi na menu
 


Ukraine mập mờ với lá chắn tên lửa NATO

 

Ukraine mập mờ với lá chắn tên lửa NATO

26-02-2011 14:37
Ukraine mập mờ với lá chắn tên lửa NATO
 

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hôm 24/2 đã có chuyến thăm chính thức đến Ukraine trong một nỗ lực nhằm thuyết phục Ukraine tham gia vào kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa chung Châu Âu.

Mặc dù cả hai bên đã đồng ý thành lập một nhóm chuyên gia để nghiên cứu vấn đề này nhưng theo các nhà phân tích, đây chỉ là một động thái mang tính chiến thuật của Kiev bởi việc Ukraine có tham gia vào hệ thống lá chắn tên lửa Châu Âu hay không phụ thuộc nhiều vào Nga.
 
Lời mời của NATO
 
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái ở thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha, liên minh quân sự này đã mời cả Nga và Ukraine tham gia vào kế hoạch thiết lập một hệ thống lá chắn tên lửa ở Châu Âu.
 
Trước khi đến thủ đô Kiev dịp này, Tổng thư ký NATO Rasmussen đã nói với các phòng viên rằng, ông hy vọng sẽ đạt được sự nhất trí với Ukraine về lời mời nói trên. Sau các cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Lytvyn và Ngoại trưởng Kostyantyn Gryschenko, ông Rasmussen cho biết, Kiev rất quan tâm đến kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung Châu Âu.
 
Theo ông Rasmussen, kế hoạch này vẫn đang ở trong giai đoạn “trứng nước”. "Chúng ta vẫn chưa hoàn thành được bản thiết kế cuối cùng và chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu tiên của quá trình. Chỉ mới 2 hoặc 3 tháng trôi qua kể từ sau khi NATO quyết định phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa chung Châu Âu dựa trên nền tảng là tổ chức NATO," ông Rasmussen cho biết.
 
Cùng với việc nhắc lại lời mời Nga tham gia vào dự án nói trên, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, tương lai của hệ thống lá chắn tên lửa phụ thuộc vào sự đóng góp của Ukraine và các đối tác khác.
 
Tuy nhiên, tình hình ở Ukraine hiện giờ đã rất khác. Tổng Yanukovych lên cầm quyền hồi tháng 2 năm ngoái và đã nhanh chóng hủy bỏ mọi nỗ lực đưa Ukraine gia nhập NATO của người tiền nhiệm Viktor Yushchenko. Quốc hội Ukraine đã thông qua một dự luật trong đó bác bỏ khả năng gia nhập NATO của Ukraine đồng thời tuyên bố nước này là một quốc gia không liên kết.
 
Mặc dù vậy, Kiev chắc chắn không từ chối hợp tác với NATO nhằm duy trì mối quan hệ bình thường với Mỹ và Châu Âu, thu hút thêm đầu tư nước ngoài đồng thời có tiếng nói nhất định trong các công việc của Châu Âu
 
Theo các nhà phân tích, đang có khoảng cách rất lớn giữa việc “sẵn sàng gia nhập NATO” và "sẵn sàng hợp tác với NATO." Lúc này, Ukraine chỉ muốn hợp tác với NATO trong khuôn khổ hiện nay và hoàn toàn không có ý định nâng cấp quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Và vì không rõ hệ thống lá chắn tên lửa ở Châu Âu sẽ được thiết lập như thế nào và lập trường của Nga về vấn đề này ra sao nên Ukraine hiện tại đang áp dụng một lập trường “chờ xem”.
 
Không có gì mới
 
Tổng thư ký NATO Rasmussen và Tổng thống Ukraine Yanukovych hôm 24/2 đã có cuộc hội đàm kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ thay vì 30 phút như kế hoạch ban đầu. Sau cuộc họp, Tổng thống Yunukovych đã nói với báo giới rằng, Ukraine sẵn sàng tăng cường hợp tác hiệu quả với NATO trong khung khuôn khổ hiện nay. Ông Yanukovych cũng hoan nghênh nỗ lực của NATO trong việc đưa mối quan hệ đối tác song phương đi vào cụ thể hơn và hướng nhiều đến hiệu quả hơn.
 

 Ảnh minh họa

 Tổng thư ký NATO Rasmussen trong chuyến thăm đến Ukraine.


Theo Tổng thống Yanukovych, Kiev quan tâm rất nhiều đến các cải cách của liên minh NATO trong tình hình mới. "Ukraine coi việc tham gia vào kế hoạch thiết lập một hệ thống an ninh tập thể chung Châu Âu là một nghĩa vụ," Nhà lãnh đạo Ukraine đã nói như vậy.
 
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, hệ thống an ninh tập thể theo lời Tổng thống Yanukovych nói khác hẳn với kế hoạch lá chắn tên lửa của NATO.
 
Ukraine tin rằng, hệ thống an ninh tập thể mới của Châu Âu nên bao gồm tất cả các nước Châu Âu dựa trên nguyên tắc bình đẳng và an ninh cho tất cả các nước trong khu vực. Trên thực tế, lập trường của Kiev giống với kế hoạch xây dựng một cấu trúc an ninh Châu Âu mới mà Nga đề xuất gần đây.
 
Mặc dù biết rõ Ukraine không còn mặn mà với việc gia nhập NATO, Tổng thư ký NATO Rasmussen nhấn mạnh, liên mình này tôn trọng lập trường không liên kết của Kiev nhưng vẫn mở rộng cửa cho tất cả các quốc gia dân chủ.
 
Ông Rasmussen cam kết sẽ tiếp tục giúp Ukraine trong các kế hoạch cải cách quân sự và gia nhập Liên minh Châu Âu. Ông này cũng kêu gọi Kiev tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến chống khủng bố, cướp biển và tình trạng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như các tội phạm xuyên quốc gia. Tổng thư ký NATO cũng yêu cầu Kiev gửi thêm nhiều các nhà đào tạo quân sự đến Afghanistan.
 
Các nhà phân tích đều nhận ra rằng, ông Rasmussen không đạt được điều gì mới trong chuyến thăm đến Ukraine và những vấn đề chính liên quan đến NATO không được phía Ukraine đáp trả tích cực.
 
Thái độ của Nga là quan trọng
 
Chính sách đối ngoại của Ukraine đã trải qua một sự thay đổi sâu sắc và toàn diện sau khi ông Yanukovych lên cầm quyền. Chính quyền mới ở Kiev coi việc cải thiện và củng cố mối quan hệ với Nga là ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của nước này.
 
Tất nhiên, Kiev vẫn sẵn sàng phát triển quan hệ với Liên minh Châu Âu, Mỹ và NATO nhằm đạt được tối đa lợi ích. Tuy nhiên, nguyên tắc chính của Ukraine vẫn là không dược làm tổn hại mối quan hệ với Nga. Điều này khác hoàn toàn so với chính phủ tiền nhiệm thân phương Tây của Ukraine trước đây.
 
Vì những lý do trên đây mà nhiều nhà phân tích tin rằng, việc Ukraine có tham gia vào kế hoạch lá chắn tên lửa của NATO hay không phụ thuộc rất nhiều vào Nga.
 
Sau hội nghị thượng đỉnh ở Lisbon, Moscow đã cho biết, kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa chung Châu Âu của NATO không đáp ứng được mong đợi của Nga. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng cảnh báo về một cuộc đua vũ trang mới nếu nước này không có tiếng nói bình đẳng trong kế hoạch lá chắn tên lửa chung Châu Âu.
 
Trên thực tế, NATO muốn tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa riêng rẽ nhưng kết nối với hệ thống của Nga, Tuy nhiên, Moscow muốn xây dựng một lá chắn tên lửa chung duy nhất cho toàn bộ Châu Âu. Trong bối cảnh cả Nga và NATO còn khác biệt quan điểm và đều lo ngại về vấn đề bảo vệ những lợi ích chiến lược riêng thì rất khó để hai bên đi đến được một sự thỏa hiệp. Ukraine biết rõ mình đang bị kẹp giữa Nga và NATO nên lựa chọn tốt nhất của nước này là giữ một thái độ mập mờ trong kế hoạch lá chắn tên lửa Châu Âu.

Kiệt Linh

Nguồn THX/VnMedia